Quy định về xử lý hành vi sử dụng điện để diệt chuột trái pháp luật
1. Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng điện diệt chuột
Điều 7 Luật Điện lực 2004, quy định cấm sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật Điện lực 2004
2. Xử phạt hành chính việc dùng điện diệt chuột
Căn cứ điểm đ khoản 5 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP, hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Điện có thể xem là nguồn nguy hiểm cao, có thể xâm phạm sức khỏe hoặc tính mạng của con người. Người nào dùng điện diệt chuột trái pháp luật dẫn đến chết người, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ tiết b Mục 12 Phần I Công văn số 81 năm 2002 của Toà án nhân dân tối cao “giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, thì hành vi dùng điện giết người về nguyên tắc có thể phạm vào các tội danh khác nhau tùy vào các trường hợp cụ thể như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.
Căn cứ Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về tội vô ý làm chết người như sau:
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về tội giết người.
- Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
- Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Người chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Về trách nhiệm dân sự: Chủ thể tiến hành giăng bẫy điện mà làm chết người thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định của pháp luật dân sự tại Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc do hành vi sử dụng điện trái phép để bẫy chuột, UBND thị trấn Tiên Lãng đề nghị người dân nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, đúng mục đích, không sử dụng bẫy điện trái phép để diệt chuột; đề nghị các khu dân cư tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm bắt chuột an toàn, diệt chuột bằng biện pháp hóa học, sinh học kết hợp với thủ công, góp phần bảo vệ sản xuất và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Tiên Lãng./.