Thứ Ba, 04/03/2025 10:32:00 GMT+7
Phòng, chống bệnh Dại và các biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm
Lượt xem: 10
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong cho con người và động vật. Bệnh Dại thường lây từ chó, mèo sang người qua vết cắn hoặc tiếp xúc với nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh.
1. Tính chất nguy hiểm của bệnh Dại
Bệnh Dại do virus Rabies gây ra, chủ yếu lây qua vết cắn của chó, mèo bị nhiễm bệnh. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, triệu chứng của bệnh xuất hiện từ 2 đến 3 tháng sau đó. Những dấu hiệu đầu tiên bao gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, tiếp theo là các triệu chứng như kích thích, loạn thần, tê bì và liệt cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến tử vong.
2. Dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh Dại
Chó, mèo mắc bệnh Dại có thể biểu hiện các dấu hiệu như:
Chó hoặc mèo tỏ ra hung dữ, cắn phá, không kiểm soát được hành vi.
Chảy dãi, nước bọt nhiều, khó nuốt.
Đi lại mất thăng bằng, lảo đảo, không kiểm soát được cơ thể.
Mất cảm giác, liệt cơ mặt, tai, mắt hoặc cơ thể.
Có thể xuất hiện hành vi lạ, thích sống ở nơi tối tăm, tránh ánh sáng.
Khi phát hiện chó, mèo có những dấu hiệu trên, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng và không tiếp xúc trực tiếp với chúng để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh Dại.
3. Biện pháp phòng, chống bệnh Dại
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với bệnh Dại. Mỗi năm, các chủ nuôi chó, mèo cần đưa động vật của mình đến các cơ sở thú y để tiêm vắc xin phòng bệnh Dại. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các động vật nuôi có khả năng lây nhiễm bệnh Dại, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:
Không thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng để tránh nguy cơ tiếp xúc với người và các động vật khác.
Đeo rọ mõm và xích chó khi đưa chúng ra ngoài nhằm hạn chế tình huống nguy hiểm khi chó có hành vi bất thường.
Theo dõi sức khỏe thường xuyên của động vật để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
4. Quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm
Trường hợp chủ của chó mèo không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc thì căn cứ điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp chủ thể có hành vi vi phạm là tổ chức thì mức phạt là gấp hai lần (căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, trường hợp vật nuôi mà cắn người và lây truyền bệnh dại thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015./.
btvtttienlang