Tiên Lãng- thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan
Tiên Lãng là một huyện ngoại thành thuần nông có 37.613 hộ, với tổng số dân hơn 150.000 người, phân bổ tại 172 làng, khu dân cư
Tiên Lãng- thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan
Tiên Lãng là một huyện ngoại thành thuần nông có 37.613 hộ, với tổng số dân hơn 150.000 người, phân bổ tại 172 làng, khu dân cư. Nhiều năm qua, đời sống kinh tế được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hoá tinh thần được cải thiện rõ rệt: Có 147/172 làng, khu dân cư có Nhà văn hoá, 172/172 làng, khu có đội văn nghệ, có khu vui chơi giải trí. Các tổ chức xã hội được củng cố và hoạt động tích cực, đặc biệt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là nội dung xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá. Đến nay toàn huyện có 101/172 làng được công nhận làng văn hoá; 31.845 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 82,61%. Những kết quả trên là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện tốt “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.
Nhận thức được tầm quan trọng của Quy chế, UBND huyện Tiên Lãng đã có kế hoạch về triển khai Quyết định 137 của UBND Thành phố đồng thời quy định nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể; Tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm việc thực hiện Chỉ thị 15, Quyết định 2347 của Thành phố và triển khai thực hiện các quyết định về quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn huyện, đồng thời biểu dương khen thưởng các tập thể, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 15.
Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Trong việc cưới: các đám cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, mọi thủ tục có tính phong tục được giảm bớt, các tập tục tập quán chạm ngõ, lễ cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, thời gian tổ chức cũng được rút ngắn.
Trong việc tang: Tại các địa phương khi có người qua đời, các gia đình đều thực hiện tốt quy định của pháp luật như làm thủ tục khai tử với chính quyền xã hoặc khu dân cư, các làng đều thành lập Ban tổ chức lễ tang, giúp các gia đình có người thân qua đời tổ chức lễ tang trang trọng, nghĩa tình. Các tuần tiết đã tổ chức gọn, không mở rộng, chỉ thu hẹp trong nội bộ gia đình. Việc cải táng cũng được các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức cải táng sau 4 năm. Việc cải táng được làm ban ngày đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
Về lễ hội: Hiện nay Tiên Lãng có 24 di tích được công nhận, hàng năm đều diễn ra các lễ hội truyền thống, song các lễ hội chỉ ở tầm địa phương không phải cấp vùng, do vậy quy mô tổ chức không lớn, mức độ ít phức tạp. Trong nhiều năm qua, các lễ hội được tổ chức đúng quy chế lễ hội.
Tuy vậy trong việc tổ chức vẫn còn một số tồn tại: vẫn còn hiện tượng ăn uống lãng phí, nhiều mâm, hiện tượng xem tuổi, dẫn dâu lấy ngày, đốt pháo nổ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Việc an táng, cải táng còn tự do, không có quy hoạch, hiện tượng nhận đất, xây mộ quá to so với quy định, việc rắc vàng mã vẫn còn nhiều. Còn thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, quy mô các lễ hội quá nhỏ. Các lễ hội chủ yếu do Ban quản lý di tích đảm nhận thường nặng về phần lễ mà ít coi trọng phần hội.
Việc triển khai thực hiện Quyết định 308, Quyết định 137 phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng nếp sống văn hoá, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở từng gia đình, làng xóm địa phương và xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hoá cơ sở./.